image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
Giới thiệu xã Tiền Phong
Lượt xem: 363
Sơ lược địa lý hành chính, văn hoá, lịch sử xã Tiền Phong


1. Địa lý hành chính

Xã Tiền Phong nằm ở phía tây nam huyện Vĩnh Bảo, cách trung tâm huyện khoảng 10 km. Phía đông giáp xã Cộng Hiền, phía nam giáp xã Vĩnh phong, phía đông bắc giáp xã Thanh Lương, phía bắc giáp xã Đồng Minh, phía tây giáp sông hoá, bên kiw sông là xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Diện tích tự nhiên 532,72 ha (đất nông nghiệp là 315 ha chiếm 59,1% tổng diện tích đất tự nhiên).

Dân số: 7189 người (đầu năm 2024) với 2191 hộ.

Xã có 8 thôn còn gọi là 8 làng, gồm các làng Vĩnh Lạc 1, Vĩnh Lạc 2, An Lạc 1, An Lạc 2, Linh Đông 1, Linh Đông 2, Linh Đông 3 và Linh Đông 4.

2. Văn hóa

Năm 2010 đã có 100 % các làng ra mắt đăng ký xây dựng làng văn hóa, đến nay có 8/8 làng được công nhận Làng văn hóa vào năm 2021.

Từ năm 2005 các làng đã tổ chức xây dựng Nhà Văn hóa, hiện nay đã có 8/8 làng có nhà văn hóa và sân thể thao để nhân dân sinh hoạt vui chơi.

Xã Tiền Phong có công trình kiến trúc lịch sử Đình 9 gian thuộc thôn Vĩnh Lạc có từ năm 1660. Đình thờ thái uý Lý Thường Kiệt đình Vĩnh Lạc được tôn vinh, xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào ngày 09/03/2017. Ngoài ra xã còn có Miếu thượng, Miếu An Lạc, Chùa Cao Sơn được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố (chi tiết tại địa chỉ  https://tienphong.vinhbao.haiphong.gov.vn/dia-diem-du-lich).

Các làng đều có Đình - Miếu - Cảnh - Chùa để thờ. Do chiến tranh tàn phá, thiếu sự tôn tạo sửa chữa bảo quản gìn giữ nên chỉ còn 3 đình, 3 miếu và 5 chùa. Ngày 7/10/2018 Nhân dân làng Linh Đông đã khôi phục xây dựng và khánh thành Đình Đông. 

Hàng năm, vào ngày rằm tháng 3 (âm lịch) nhân dân các làng đều tổ chức mở hội, cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Sau phần lễ là các trò chơi dân gian: Cờ người, kéo co, cầu thùm, chọi gà… và thi đấu các môn thể thao: Bóng chuyền, bóng đá, cầu lông…Giao lưu văn văn nghệ giữa các làng và các xã bạn, góp phần giáo dục truyền thống quê hương, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Xã Tiền Phong có 3 cấp trường (Mầm Non, Tiểu học và THCS) Các trường đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Năm 2020 xã Tiền phong được công nhận là xã đặt chuẩn nông thôn mới. Năm 2023 xã đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao.

Xã Tiền Phong trong các cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc có 180 anh hùng liệt sĩ, 21 bà mẹ Việt Nam anh hùng.

3. Lịch sử 

Cách đây hàng nghìn năm, nơi đây là vùng đất hoang sơ do phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp. Ban đầu có vài ba nhóm người về đây khai hoang lập thành chòm xóm và đặt tên cho mảnh đất này là An Lạc.

Các làng Vĩnh Lạc - An Lạc - Linh Đông - Phần Thượng - Mai Thượng trước thuộc huyện An Định, thời Lý - Trần thế kỷ (XI-XIV) thuộc huyện Đông Lại. Sau thời Lê Thánh Tông (1460-1497) đổi thành huyện Vĩnh Lại, đến năm 1811 sáp nhập Vĩnh Lại với Ninh Giang, vào năm 1838 nhà Nguyễn cho lập huyện mới là huyện Vĩnh Bảo ngày nay nhưng vẫn thuộc Hải Dương. Cuối năm 1952 Vĩnh Bảo thuộc tỉnh Kiến An, từ năm 1963 đến nay thuộc thành phố Hải Phòng.

Hội nghị thành lập xã Liên Hiệp ngày 24-4-1946 tại đình Lý Nhân họp HĐND các xã Quán Khái, Lý Nhân, Phần Thượng, và xã Linh Đông sáp nhập bầu ra ủy ban hành chính xã Liên Hiệp. Cùng ngày tại đình An Lạc cùng họp HĐND các xã Vĩnh Lạc, Mai Thượng, An Lạc bầu Ủy ban hành chính xã Song An.

Cuối năm 1947 thực hiện chủ trương của Huyện ủy Vĩnh Bảo sáp nhập xã nhỏ thành xã lớn, để giảm bớt đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi, chỉ huy và lãnh đạo, hai xã Liên Hiệp, Song An sáp nhập và lấy tên xã là Vạn Thắng. Đầu năm 1949 xã Vạn Thắng đổi tên là xã Tiền Phong

Năm 1956 thể theo nguyện vọng của cán bộ đảng viên và nhân dân và căn cứ tình hình thực tế xã Tiền Phong lúc này dân số đông, địa bàn rộng. Xã Tiền Phong được chia tách thành hai xã, là xã Vĩnh Phong (gồm các thôn Quán Khái, Lý Nhân, Phần Thượng) và xã Tiền Phong (gồm thôn Linh Đông, Mai Thượng, An Lạc, Vĩnh Lạc).

Những năm 1958-1960, toàn xã có 16 xóm mỗi xóm là 1 hợp tác xã nông nghiệp, với tên gọi Vĩnh Tiến - Đồng Tâm - Bạch Đằng - Cấp Tiến - Kiến Thiết - Liên Hiệp - Bắc Sơn -Trung Dũng - Tứ Cường - Dũng Tiến - Càn Long - Trấn Long - Hoàng Hanh - Thăng Tiến - An Tiến - Tân Tiến. Đến năm 1976 hợp tác xã hợp nhất lấy tên là hợp tác xã nông nghiệp xã Tiền phong và đổi thành 6 thôn thôn Vĩnh Lạc, An Lạc, Thượng Tiến, Linh Đông, Phần Thượng và Mai An, hình thành 16 đội sản xuất.

 Năm 1986 từ 16 đội sản xuất hợp nhất thành 8 đội. Cho đến năm 1993 xã Tiền Phong đã đổi 8 đội sản xuất thành 8 thôn Vĩnh Lạc 1, Vĩnh Lạc 2, An Lạc 1, An Lạc 2, Linh Đông 1, Linh Đông 2, Linh Đông 3, Linh Đông 4 cho đến nay.

 

Tác giả: Đỗ Minh Soạn
Tin khác
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới